Cẩm Thạch

1. Cẩm Thạch Là Gì?

Cẩm thạch jadeite là một khoáng chất pyroxene có công thức hóa học NaAlSi2O6. Chúng rất quý trong một số xã hội cổ đại, và đôi khi còn có giá trị hơn cả vàng. Cẩm thạch thường được sử dụng làm trang sức, vừa mang lại vẻ đẹp thanh cao vừa mang đến sức khỏe và sự may mắn.

Cẩm thạch thường có màu xanh nhạt đến xanh đậm, xanh táo, xanh ngọc lục bảo, xám, trắng, vàng kem. Thỉnh thoảng cũng có các màu hồng, tím, nâu, đen, đôi khi nhiều màu hoặc dải màu.

Cẩm thạch có độ cứng 6.5 – 7 theo thang độ Morh, được tìm thấy nhiều ở Myanmar, Nhật, Nga, Trung Quốc, Kazakhstan, Guatemala, Canada.

2. Phân Loại Cẩm Thạch

Không phải tất cả sản phẩm đá cẩm thạch có trên thị trường đều giống nhau. Trên thực tế, đá cẩm thạch được chia làm 3 loại chính:

  • Cẩm thạch loại A: sản phẩm làm từ đá cẩm thạch hoàn toàn thiên nhiên, không qua xử lý. Loại này nếu sản phẩm chất lượng, không tạp chất, độ trong cao thì giá thành cực kỳ đắt, có thể lên đến hàng triệu USD. Nhưng ngược lại vẫn là sản phẩm loại A không qua xử lý nhưng hàm chứa nhiều tạp chất, màu không đều thì giá trị có khi thấp hơn cả hàng loại B.
  • Cẩm thạch loại B: Là sản phẩm đá cẩm thạch hoàn toàn thiên nhiên nhưng được xử lý giúp làm sạch tạp chất và sáng, bóng hơn. Dòng sản phẩm này khá được ưa chuộng, chiếm đến 70-80% thị trường. Dòng sản phẩm này có giá trị trung bình – khá.
  • Cẩm thạch loại C: Là loại đá cẩm thạch được xử lý màu khá nhiều khiến thay đổi hoàn toàn cấu trúc cũng như giá trị của chúng. Cẩm thạch loại C ít được chấp nhận trong giới đá quý, chúng được bày bán phần lớn trong các cửa hàng đồ lưu niệm hoặc quà tặng đi kèm.

3. Công Dụng Của Cẩm Thạch

Trong văn hóa phương Đông, người ta quan niệm rằng người mang cẩm thạch theo người không chỉ biểu thị cho sự quyền quý, giàu sang mà còn để nhắc nhở bản thân phải tu dưỡng theo chính đạo.

Cũng giống như các loại đá quý khác, cẩm thạch mang một nguồn năng lượng dương dồi dào. Vì thế, khi mang bất kỳ một món trang sức nào được làm từ cẩm thạch bạn sẽ được tiếp thêm nguồn năng lượng mạnh mẽ, lạc quan trong cuộc sống.

Thời xa xưa, vua chúa thường mang bên mình trang sức bằng cẩm thạch. Khi chết đi, vàng, ngọc, châu báu cũng sẽ được chôn theo với hàm ý mong cầu sự thịnh vượng, giàu có, và quyền quý ở kiếp sau.

4. Cách Xác Định Giá Trị Cho Đá Cẩm Thạch

Trên thế giới có rất nhiều tiêu chuẩn khác nhau để lựa chọn và đánh giá giá trị của đá cẩm thạch. Tuy nhiên, ngoài những tiêu chuẩn riêng, chất lượng của đá cẩm thạch luôn dựa vào 3 yếu tố chính đó là độ trong, màu sắc, và kết cấu của viên đá.

4.1. Độ trong

Khi đánh giá chất lượng của đá cẩm thạch, điều đầu tiên và quan trọng nhất là độ trong của viên đá. Để quan sát độ trong, chúng ta quan sát chúng dưới đèn chiếu soi đá hoặc đèn flash.

Độ trong được phân ra làm 3 cấp độ: đục hoàn toàn, bán trong và trong thấu quang. Hiếm khi nào có một chiếc vòng trong suốt. Nếu có, thì giá trị của nó là cực kỳ lớn:

  • Đục: loại này có giá trị thấp nhất, hoàn toàn không có độ trong. Dưới ánh sáng đèn, viên đá nhìn tối và sạn.
  • Bán trong: đây là loại có giá trị trung bình-cao, dưới ánh đèn chúng ta quan sát thấy viên đá sáng bóng, mượt mà, nhưng ánh sáng không thể xuyên thấu.
  • Trong mờ: Trong mờ nghĩa là ánh sáng có thể xuyên thấu qua với cường độ vừa phải. Loại này thường có giá trị rất cao.

Ngoài ra, khi đánh giá độ trong của viên đá, chúng ta cũng cần quan sát xem chúng có bị lẫn các tạp chất khác không. Càng nhiều tạp chất giá trị của viên đá càng giảm.

Các màu sắc khác nhau của đá cẩm thạch
Các biến thể màu sắc khác nhau
của đá cẩm thạch jadeite

4.2. Màu sắc

Đá cẩm thạch được ưa chuộng nhất, cũng như có giá trị cao nhất là loại màu xanh lục bảo. Giới chuyên gia dùng từ “ngọc hoàng gia” là để chỉ màu sắc này. Các vị hoàng đế trong lịch sử đều mang bên mình trang sức cẩm thạch màu xanh lục bảo để được trường thọ và giàu có ở cả kiếp này lẫn kiếp sau. Chính vì vậy mà theo nhiều thế hệ, màu xanh được mặc định là màu của đá cẩm thạch.

Các màu còn lại, với giá cả vừa phải như màu vàng, đỏ, tím oải hương, đen thì tùy theo sở thích cá nhân mà sẽ được giới quý tộc xưa mang theo bên mình để được may mắn, hay để chứng tỏ sự giàu có, và thể hiện địa vị cao trong xã hội của mình. Riêng loại cẩm thạch màu xám thì thường có giá trị thấp nhất.

4.3. Kiểu cắt

Sau khi quan sát độ trong và màu sắc của viên đá, chúng ta cần quan sát xem kết cấu của có hài hòa, cân đối hay không. Tức là sự kết hợp giữa độ trong, màu sắc trên bề mặt của viên đá có hài hòa hay không, có bắt mắt hay không.

Ngoài ra, nếu mua sản phẩm ngọc chế tác, chúng ta cũng cần quan sát và đánh giá thêm thành phẩm qua các tiêu chí: bề mặt và phần cạnh của sản phẩm có được người thợ chế tác cân đối hài hòa không, sản phẩm có bị nứt, vỡ, có khuyết điểm gì không…

5. Bảo Quản Cẩm Thạch

Tránh va đập mạnh vì cẩm thạch có thể bị vỡ. Không để cẩm thạch tiếp xúc với hóa chất, mỹ phẩm, chất tẩy rửa. Dùng nước ấm và cọ để làm sạch các vết bẩn trên bề mặt và dùng vải mềm để lau khô.

Để lại một bình luận